Tùy thuộc vào điều kiện vật chất của mỗi cơ sở y tế và mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà có những phác đồ điều trị cụ thể phù hợp với bệnh cảnh và cơ sở. Do đó chúng tôi chỉ nêu lên nguyên tắc điều trị chung cho các bạn hiểu thêm trong quá trình chăm sóc người thân. Dù cho BN mắc phải bất kỳ thể tai biến nào thì cấp cứu, điều trị đột qụy não cũng cần phải nhanh và chuẩn xác biểu hiện qua hai khẩu hiệu của hội đột qụy thế giới:
— Thời gian là não (Time is Brain).
— Sự tinh nhuệ là não (Competence Is Brain).
Nguyên tắc điều trị
1. Duy trì chức năng sống và điều chỉnh các hằng số sinh lý
— Duy trì chức năng sống theo quy tắc A, B, C, D cụ thể:
+ A (airway): giữ thông đường thở bằng cách lau đờm dãi, tháo răng giả…
+ B (breathing): bảo đảm khả năng thở cho bệnh nhân cả về tần số và biên độ, làm thông đường thở, nếu cần phải thực hiện hô hấp hỗ trợ, thở oxy.
+ C (circulation): bảo đảm tuần hoàn.
+ D (drugs): dùng thuốc hay Defibrilator — shock điện.
— Điều chỉnh các hằng số sinh lý:
+ Điều chỉnh nhịp tim khi cần thiết.
+ Nếu huyết áp thấp cần trợ tim mạch.
+ Nếu huyết áp cao tăng trên 180/120mmHg mới cần dùng thuốc hạ áp, cần hạ huyết áp xuống từ từ; với người cao huyết áp từ trước nên duy trì huyết áp vào khoảng 170/100mmHg; với người không có tiền sử cao huyết áp có thể hạ xuống mức 160/95 mmHg.
+ Giữ cân bằng nước – điện giải.
2. Chống phù não
— Nằm đầu cao 30 – 450, tăng thông khí.
— Truyền dịch: không nên truyền glucose ưu trương trong huyết khối vì nó có thể làm cho huyết khối tiến triển nặng lên. Có thể truyền manitol cả cho bệnh nhân chảy máu não và nhồi máu não nhưng phải thận trọng, cần theo dõi áp lực thẩm thấu của huyết thanh, có thể dùng liều 1g/kg cân nặng trong 30 phút đầu, sau đó 0,5g/kg/6 giờ.
— Dùng các thuốc khác: corticoide không rõ tác dụng chống phù não nên ít được sử dụng. Dung dịch glycerin uống và tăng thông khí làm giảm phân áp CO2 trong máu đến 25 – 35mmHg, có tác dụng làm giảm bớt phù nề não. Magiesulphat ít được dùng hiện nay.
3. Điều trị theo thể bệnh
3.1. Đối với chảy máu não:
+ Dùng thuốc cầm máu: hemocaprol, transamin… cần dùng sớm trong 2 – 3 ngày đầu của bệnh.
+ Dùng thuốc chống co thắt mạch: nimotop (theo đường truyền trong những ngày đầu, chai thuốc 10mg/50ml, dùng bơm tiêm điện, 2 giờ đầu cho chảy với tốc độ 5 giọt/giờ, các giờ sau đó mỗi giờ 10 giọt), có thể truyền 5 – 7 ngày sau đó chuyển sang dùng theo đường uống với liều 6 viên/ ngày (cứ 4 giờ uống 1 viên). Tổng đợt điều trị là 3 tuần. Lưu ý theo dõi huyết áp khi dùng nimotop.
+ Bù điện giải nhất là Na+ theo điện giải đồ
+ Dùng thuốc bảo vệ não, tăng cường tuần hoàn não và tăng cường dinh dưỡng não: chỉ dùng trong giai đoạn sau khi bệnh đã ổn định.
Các thuốc này được chia thành 3 nhóm:
– Nhóm thứ nhất theo cơ chế bổ sung dinh dưỡng cho tế bào thần kinh (cerebrolysine, citicholine…)
– Nhóm thứ 2 là các thuốc tác dụng qua cơ chế tuần hoàn (pervincamin, cavinton, stugerol, noootropyl, lucidril…)
– Nhóm thứ 3 là nhóm tỏ ra hiệu quả nhất hiện nay với cơ chế khá toàn diện : ổn định màng tế bào não, giảm nhu cầu oxy của cả não và tim, giúp tế bào não tồn tại được lâu hơn trong điều kiện thiếu oxy, đồng thời hoạt huyết, giúp làm tan khối máu đông, vừa có tác dụng trấn tĩnh, giảm co giật, vừa có tác dụng giúp bệnh nhân hồi tỉnh khỏi cơn hôn mê ( an cung ngưu hoàng hoàn, ngưu hoàng thanh tâm hoàn, …)
Việc sử dụng tuỳ theo kinh nghiệm của từng bác sỹ, nói chung có thể dùng kết hợp các thuốc ở những nhóm khác nhau để làm tăng tác dụng điều trị.
3.2. Đối với đột qụy thiếu máu, nhồi máu não:
A, Dùng các thuốc phục hồi, cải thiện dòng máu:
– Dùng thuốc tiêu huyết khối (thrombolytic) như urokinase, streptokinase và recombinant tissue plasminogen activator (r-TPA) bước đầu đã được áp dụng trong lâm sàng để làm tiêu cục tắc và cục huyết khối. Tuy nhiên cần lưu ý tới nhiều các chỉ định chặt chẽ (vì tỷ lệ biến chứng chảy máu rất cao) và chỉ dùng cho những bệnh nhân còn ở trong thời gian cửa sổ điều trị (treatment time window), tức trong vòng 3 giờ sau khởi phát. Thuốc có thể dùng theo đường toàn thân hoặc dùng chọn lọc qua đường động mạch.
– Dùng thuốc chống đông: đối với tắc động mạch não, đã thống nhất trong những ngày đầu dùng heparine tiêm tĩnh mạch, liều trung bình 2500UI, cứ 6 giờ dùng một lần, cần theo dõi thời gian Howell hoặc thời gian Quick để điều chỉnh liều lượng, dùng 7 – 10 ngày. Thời gian sau chuyển dùng aspirine. Việc dùng heparine trong huyết khối động mạch não có nhiều ý kiến còn chưa thống nhất.
– Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu: không dùng cho bệnh nhân đột qụy chảy máu trong giai đoạn đầu, đối với bệnh nhân đột qụy thiếu máu cũng cần lưu ý tới mức độ tổn thương của tổ chức não.
B, Dùng thuốc bảo vệ não, tăng cường tuần hoàn não và tăng cường dinh dưỡng não: chủ yếu trong nhồi máu não, còn trong chảy máu não dùng trong giai đoạn sau khi bệnh đã ổn định.
Các thuốc này được chia thành 3 nhóm:
– Nhóm thứ nhất theo cơ chế bổ sung dinh dưỡng cho tế bào thần kinh (cerebrolysine, citicholine…)
– Nhóm thứ 2 là các thuốc tác dụng qua cơ chế tuần hoàn (pervincamin, cavinton, stugerol, noootropyl, lucidril…)
– Nhóm thứ 3 là nhóm tỏ ra hiệu quả nhất hiện nay với cơ chế khá toàn diện : ổn định màng tế bào não, giảm nhu cầu oxy của cả não và tim, giúp tế bào não tồn tại được lâu hơn trong điều kiện thiếu oxy, đồng thời hoạt huyết, giúp làm tan khối máu đông, vừa có tác dụng trấn tĩnh, giảm co giật, vừa có tác dụng giúp bệnh nhân hồi tỉnh khỏi cơn hôn mê ( an cung ngưu hoàng hoàn, ngưu hoàng thanh tâm hoàn, …)
Việc sử dụng tuỳ theo kinh nghiệm của từng bác sỹ, nói chung có thể dùng kết hợp các thuốc ở những nhóm khác nhau để làm tăng tác dụng điều trị.
4. Điều trị triệu chứng, biến chứng
Dùng kháng sinh chống bội nhiễm, thuốc chống co giật, hạ sốt, an tĩnh, chống đau đầu… khi có chỉ định.
5. Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hộ lý, phục hồi chức năng
Đây là việc làm quan trọng, là cơ sở và điều kiện cho việc chữa khỏi bệnh.
— Phải bảo đảm cho bệnh nhân ăn uống đủ dinh dưỡng, đủ năng lượng (2500 – 3000kcal/ngày).
— Dùng các thuốc sinh tố và các thuốc giàu năng lượng.
— Chống loét: trở mình 2 giờ/lần, xoa bóp toàn thân để tăng lưu thông máu.
— Chống bội nhiễm: vỗ rung cho bệnh nhân để đề phòng viêm phổi ứ đọng, các bệnh nhân có sonde tiểu cần chăm sóc sạch sẽ, đề phòng viêm đường tiết niệu.
— Điều trị phục hồi chức năng: cần điều trị càng sớm càng tốt. Các biện pháp có thể vận dụng là tập vận động, lý liệu, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt… thụ động hoặc chủ động tuỳ từng bệnh nhân để giảm bớt những di chứng và biến chứng.
6. Các phương pháp điều trị khác
— Điều trị phẫu thuật trong tai biến mạch máu não thường nhằm các mục đích sau: lấy ổ máu tụ, kẹp dị dạng và phình mạch não, phẫu thuật lấy bỏ cục tắc và bóc mảng xơ vữa, phẫu thuật nối thông tuần hoàn phía trên vị trí động mạch bị tắc nghẽn, stenting.
— Hiện nay, người ta đang nghiên cứu cấy tế bào mầm (stem cells) vào những vùng tổ chức não bị tổn thương nhằm khôi phục tổ chức, chức năng bị thương tổn do tuần hoàn.
7. Điều trị dự phòng sớm
Gồm điều trị dự phòng tái phát tai biến mạch máu não nhất là huyết khối động mạch não.
Cụ thể:tiếp tục dùng thuốc chống đông, dùng thuốc ức chế sự kết dính tiểu cầu như aspirine liều thấp, dihyridamol, sulfipyrajone, ticlid.
Điều trị phẫu thuật lấy cục nghẽn, bóc mảng xơ vữa trong lòng động mạch, nhất là ở những trường hợp hẹp tắc động mạch trước não, điều trị dị dạng mạch não…
Tránh các hoàn cảnh thuận lợi gây đột qụy não (căng thẳng tâm lý và thể xác, hoạt động nhiều trong những ngày thay đổi thời tiết…).